1. Mối liên hệ giữa dinh dưỡng và điều trị ung thư
Ung thư phổi xảy ra khá phổ biến trên toàn thế giới và bất cứ ai ở độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh ác tính này. Cho đến nay cơ chế tác động qua lại giữa chế độ ăn và việc điều trị ung thư vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên một số nghiên cứu đã phát hiện được mối liên quan của thực đơn ăn uống hàng ngày với những chuyển biến tích cực của bệnh nhân ung thư. Điều này có nghĩa là những gì mà cơ thể chúng ta hấp thụ mỗi ngày sẽ có sự tác động nhất định tới quá trình trao đổi chất và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể:
-
Chu trình chuyển hóa tế bào: trong một số loại thực phẩm có chứa các dạng thành phần đã được chứng minh là có khả năng nuôi sống tế bào ung thư;
-
Khả năng kiểm soát chu kỳ phân tách tế bào: quá trình phân chia của tế bào (trong đó có tế bào ung thư) cần phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Có những loại thực phẩm bao gồm các hợp chất tham gia vào việc ức chế chu trình này;
-
Phản ứng viêm: khi ung thư tấn công cơ thể con người sẽ làm phát triển phản ứng viêm. Theo như phân tích của các nhà khoa học thì môi trường vi mô nơi tế bào ung thư sinh sống có đóng một vai trò nhất định trong việc thúc đẩy hay ngăn cản sự tiến triển của ung thư. Trong đó có những loại thực phẩm với đặc tính chống viêm hiệu quả sẽ góp phần làm thay đổi quá trình này;
Ung thư phổi nên ăn gì là nỗi băn khoăn chung của nhiều người bệnh
-
Sự chết đi của tế bào: quy luật tất yếu của các tế bào trong cơ thể là chúng sẽ tự chết khi hư hỏng hoặc già cỗi. Bản chất của ung thư chính là hiện tượng đi ngược lại quá trình tự nhiên đó, khi các tế bào không chết đi như lẽ thường mà lại tăng sinh không kiểm soát. Trong thức ăn có những thành phần giúp loại bỏ bớt những tế bào bất thường này;
-
Khả năng di căn của khối u: trong các giai đoạn tiến triển của ung thư, khối u ác tính có xu hướng di căn tới những khu vực lân cận hoặc cơ quan khác ngoài phổi nhờ sự truyền tín hiệu của các phân tử dẫn đường. Có những loại thức ăn tồn tại khả năng cản bước sự truyền tín hiệu này;
-
Hình thành mạch: để mở rộng quy mô cũng như sức ảnh hưởng của mình, các khối u ác tính cần có sự trợ giúp “đắc lực” của hệ thống mạch máu mới. Tuy nhiên “âm mưu bành trướng" này có thể bị ngăn cản hoặc dập tắt bởi các chất dinh dưỡng khi người bệnh dung nạp vào cơ thể.
2. Bệnh nhân bị ung thư phổi nên ăn gì?
Không thể phủ nhận tác dụng của các thực phẩm lành mạnh khi chúng có khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết giúp người bệnh có thể chống chọi được với những triệu chứng do ung thư phổi gây nên.
Protein là chất giúp sửa chữa tổn thương ở mô và tế bào, đồng thời đây còn là thành phần chính đóng vai trò củng cố hệ miễn dịch và là nguồn năng lượng cần thiết cho hoạt động sống của các cơ quan. Người bệnh nên tiêu thụ từ 20 - 30g protein trong mỗi bữa ăn, đó có thể là các loại thịt gà, thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu nành, đậu đỗ,... Ngoài ra bệnh nhân ung thư phổi nên tránh xa các loại thịt mỡ và hạn chế ăn thịt đỏ.
Bên cạnh protein, lượng vitamin dồi dào và chất chống oxy hóa mạnh mẽ chứa trong các loại rau củ, hoa quả tươi cũng nên được thêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh. Bất kể ăn sống hay nấu chín, bệnh nhân cần đa dạng các món rau, tốt nhất là nên tăng cường 5 phần rau củ và trái cây mỗi ngày.
Rau xanh rất có lợi đặc biệt là đối với bệnh nhân đang bị ung thư phổi
Các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt là một phần dinh dưỡng không thể thiếu đối với người bị ung thư phổi. Ngoài ra, bệnh nhân nên bổ sung các chất béo có lợi từ dầu thực vật (dầu olive, dầu đậu nành, dầu hạt cải, hướng dương,...) hay một số loại cá béo (cá mòi, cá hồi, cá ngừ,...). Axit béo omega-3 có trong những thực phẩm này sẽ giúp chống lại phản ứng viêm hiệu quả.
Một thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư phổi đó chính là nước. Người bệnh nên uống đủ nước (bao gồm nước từ các món súp, nước lọc hay nước trái cây,...).
Nhìn chung việc xây dựng một chế độ ăn nhiều rau củ và trái cây tươi, ít thịt đỏ hay những loại thịt nguội, thịt chế biến sẵn sẽ có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc phải một số bệnh ung thư, trong đó phải kể đến ung thư phổi cấp tính.
3. Luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe chống lại ung thư
Không chỉ đưa ra lời khuyên về việc ung thư phổi nên ăn gì, các chuyên gia cũng khuyến cáo bệnh nhân nên quan tâm đến sức khỏe thể chất bằng cách luyện tập thể dục và thường xuyên vận động sẽ góp phần hạn chế nguy cơ mắc phải những bệnh lý mạn tính. Mỗi người nên dành ra ít nhất 30 phút/ngày để tập luyện qua các hình thức như đạp xe, đi bộ, nhảy dây, yoga, bơi lội,...
Không nên tự ý bổ sung thực phẩm chức năng hay bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự tư vấn của bác sĩ, do những sản phẩm này có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác với các thuốc điều trị ung thư. Nhất là khi người bệnh sử dụng hàm lượng cao, các chất này có khả năng tác động đến quá trình điều trị, trong đó có hóa trị và xạ trị.
Khi đang thực hiện các phương pháp điều trị ung thư phổi, bệnh nhân không nên tiêu thụ những thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo vì sẽ làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng do liệu pháp điều trị gây nên như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa hoặc chán ăn,...
Luyện tập thể dục và thường xuyên vận động sẽ góp phần hạn chế nguy cơ mắc phải những bệnh lý mạn tính
Trên đây là một số lời khuyên dành cho bệnh nhân mắc phải ung thư phổi nên ăn gì. Chế độ dinh dưỡng tuy không giúp chữa lành ung thư nhưng hoàn toàn có thể giúp ngăn cản sự phát triển rầm rộ của khối u cũng như giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn cho người bệnh.
Để được tư vấn chi tiết về dịch vụ tầm soát ung thư phổi hoặc các bệnh lý khác, quý bạn đọc hãy liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay từ hôm nay.