Tuổi trẻ nhưng anh là người đang sở hữu 25 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành dị ứng - miễn dịch lâm sàng. Anh cũng là một trong 10 nhà khoa học trẻ tài năng được trao giải thưởng Quả cầu vàng 2020, được vinh danh "Công dân trẻ tiêu biểu của TP HCM". Trước đó, TS-BS Phạm Lê Duy còn nhận được giải thưởng "Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam".
Phạm Lê Duy là sinh viên của Trường ĐH Y Dược TP HCM khóa 2005-2011. Tốt nghiệp, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 2012, Duy đi du học ở Hàn Quốc, rồi thành nghiên cứu sinh tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của ĐH Ajou. Từ đây, anh bén duyên với nghiên cứu khoa học. Trong thời gian học, anh đã nghiên cứu hơn 20 dự án, mỗi dự án là một đề tài khác biệt trong lĩnh vực miễn dịch và dị ứng.
TS-BS Phạm Lê Duy hướng dẫn sinh viên trong một tiết học
Phạm Lê Duy kể khoảng thời gian khó khăn lúc mới sang Hàn Quốc, vừa xa gia đình, xa bạn bè, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, áp lực về công việc đã khiến anh muốn từ bỏ nhiều lần. Khi đó, anh chưa tạo được niềm tin về năng lực của bản thân trong mắt đồng nghiệp, nên đôi khi cũng chịu cảnh "phân biệt đối xử". Nhiều lần Duy rơi nước mắt trên chuyến bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc, sau mỗi kỳ nghỉ Tết.
"Nhiều lúc muốn từ bỏ. Nhưng nghĩ lại, mình còn mang trên vai danh dự của trường, của gia đình; mang trên mình hình ảnh của người Việt Nam, không thể để hình ảnh ấy xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, tôi đã nỗ lực làm việc, học tập và nghiên cứu, khẳng định được khả năng của người Việt Nam trong mắt đồng nghiệp" - anh Duy chia sẻ.
Trong những năm học tại Hàn Quốc, Phạm Lê Duy đã gia nhập nhóm thành viên trẻ của Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO) và là người Việt Nam đầu tiên gia nhập tổ chức này. Đây là tổ chức cung cấp, trao đổi kinh nghiệm, học thuật về ngành dị ứng và miễn dịch lâm sàng cho các thành viên ở gần 100 quốc gia.
Giữa năm 2017, anh quay lại Trường ĐH Y Dược TP HCM làm việc. "Có lúc, tôi cảm thấy đơn độc trên con đường mình đi, vì gần như phải bắt đầu từ con số không. May mắn, với sự giúp đỡ của rất nhiều người, trong đó có thầy cô, bạn bè, nên tôi đã đóng góp được phần nhỏ vào sự phát triển của ngành và đạt được một số thành tựu nghiên cứu nhất định" - anh Duy cho hay.
Sinh viên Khoa Y của Trường ĐH Y Dược TP HCM đã quá quen với hình ảnh "thầy Duy" cầm micro trên bục giảng kể những chuyện cười, chuyện đời, đến từng bàn chỉ cho sinh viên cách tra cứu thông tin y văn trên internet; rồi hình ảnh một bí thư đoàn khoa "máu lửa" trong mọi hoạt động.
TS-BS Phạm Lê Duy cho biết cùng lúc đảm nhiệm nhiều công việc nên cũng rất áp lực. Nhưng mỗi lần đi dạy, được gặp sinh viên, nhìn những cặp mắt trong sáng và đầy nhiệt huyết tuổi trẻ là bản thân như được "sạc lại pin". Trong giảng dạy, Duy luôn lấy sinh viên làm trung tâm, cố gắng giúp các em nhận ra cần làm những gì cho nghề nghiệp tương lai.
Anh luôn tạo môi trường thân thiện, thường xưng là "anh" và gọi sinh viên là "các em" để sinh viên có thể mạnh dạn, tham gia tích cực trong các buổi thảo luận. Từ đó, sinh viên cảm thấy mỗi giờ học là mỗi giờ vui, bổ ích, không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phạt, trừ điểm…, để các em hiểu rằng học là cho chính bản thân.
Theo BS Hồ Ngọc Lợi, Phó Bí thư Đoàn Khoa Y Trường ĐH Y Dược TP HCM, TS-BS Phạm Lê Duy luôn là người tiên phong trong các hoạt động hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường; là người khởi xướng, động viên sinh viên, ban chấp hành Đoàn khoa cùng tham gia quyên góp để hỗ trợ nhu yếu phẩm, trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Đối với những đàn em khóa sau, anh là tấm gương để học hỏi, noi theo.