1. Nguyên nhân hình thành và triệu chứng u bã đậu
1.1. U bã đậu là u gì?
U bã đậu là nốt phồng phát triển chậm bên dưới da, trong có chất nhờn mềm và đặc màu vàng có cặn giống như bã, bên ngoài có màng bọc có lỗ để chất nhờn thông ra ngoài.
Các khối u bã đậu không có khả năng chuyển ác tính, không đau nhưng tăng dần về kích thước nên rất khó chịu. Nếu bị viêm, u bã đậu dễ tấy đỏ gây đau nhức. Mọi vị trí trên cơ thể đều có thể xuất hiện u bã đậu.
U tuyến bã hình thành chủ yếu do sự bít tắc bã nhờn ở lỗ chân lông
1.2. Nguyên nhân khiến u bã đậu hình thành
Nhiệm vụ chính của tuyến bã là tiết ra chất bã và chất này được đổ vào nang lông qua một ống sau đó chui qua lỗ chân lông để thoát ra ngoài, nhờ đó mà da được bôi trơn. Nếu xảy ra tình trạng tắc ống tuyến bã thì chất bã không có đường bài xuất nên cứ thế tích tụ lại và tạo thành u bã đậu.
Các nguyên nhân chính khiến cho ống tuyến bã bị tắc và u bã đậu hình thành gồm:
- Da từng bị chấn thương.
- Tuổi dậy thì.
- Da nhờn nhưng hàng ngày không được vệ sinh sạch sẽ.
1.3. Triệu chứng u bã đậu
- Nhìn bên ngoài giống như mụn bọc.
- Nổi lên trên bề mặt da, không đau, khi sờ vào thấy mềm.
- Nắn vào thấy u có thể di chuyển.
- Thường xuất hiện ở vùng da tiết ra nhiều mồ hôi và chất bã như: mông, vành tai, ngực, nách, lưng,...
2. U bã đậu có nguy hiểm không?
Bản chất u bã đậu là lành tính nên không đáng lo ngại. Nếu nặn hay rạch khối u để lấy nhân bên trong ra rất dễ bị nhiễm trùng vì khối u tái phát nhiều lần. Những trường hợp đã phẫu thuật loại bỏ u bã đậu nếu không được chăm sóc và vệ sinh da cẩn thận thì nguy cơ viêm nhiễm rất cao.
Bình thường, rất ít trường hợp u bã đậu gây đau nhưng khi đã bị viêm nhiễm thì rất dễ hoại tử, mưng mủ và có vết loét. Tuy không tác động nhiều đến sức khỏe nhưng dạng u này nếu mọc ở tai, cằm,... gây mất thẩm mỹ. Một số trường hợp khối u có kích thước to, nằm gần nên chèn vào các dây thần kinh gây đau nhức cho người bệnh.
Đại đã số trường hợp u bã đậu lành tính, chỉ số ít khối u nằm gần và gây chèn ép dây thần kinh
3. Chẩn đoán và điều trị u bã đậu
3.1. Cách thức chẩn đoán
Để chẩn đoán u bã đậu bác sĩ thường căn cứ trên triệu chứng lâm sàng qua thăm khám. Nếu vẫn chưa đủ căn cứ xác định u bã đậu, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng như: xét nghiệm chỉ số viêm, xét nghiệm chỉ số viêm, siêu âm, chụp CT-Scanner,... để chẩn đoán chính xác.
3.2. Điều trị u bã đậu
Rất hiếm trường hợp u bã đậu biến mất. Chỉ khi khối u là kết quả của tình trạng lỗ chân lông bị bít kín nên khi có tác động khiến tuyến bã nhờn ở lỗ chân lông thông thoáng hay cơ thể đã được giải nhiệt, giải độc thì khối u mới dần dần nhỏ hơn và teo lại.
Do đó, việc điều trị u bã đậu là cần thiết. Ngay khi khối u xuất hiện, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và thực hiện can thiệp điều trị loại bỏ khối u.
Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để điều trị u bã đậu. Tốt nhất nên cắt bỏ khối u khi tình trạng bội nhiễm chưa xảy ra vào khối u chỉ mới có kích thước 1 - 2cm. U càng lớn thì càng dễ chảy mủ, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm loét, việc điều trị trở nên phức tạp và dễ bị sẹo xấu sau điều trị.
Phẫu thuật chỉ diễn ra khi khối u không gặp viêm nhiễm vì nếu ở trong tình trạng này thì khối u dễ bị vỡ, rất khó để loại bỏ hoàn toàn, tăng nguy cơ tái phát. Trường hợp khối u đang bị viêm sẽ cần điều trị kháng sinh và giảm đau đến khi khỏi hoàn toàn mới tiến hành phẫu thuật.
Phẫu thuật loại bỏ u bã đậu nên tiến hành khi khối u có kích thước nhỏ và không bị viêm
Hiện có 2 hình thức phẫu thuật u bã đậu đang được áp dụng là:
- Phẫu thuật rạch thông thường: toàn bộ quá trình phẫu thuật u bã đậu diễn ra nhanh chóng chỉ khoảng 30 - 45 phút. Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ sau đó ở vị trí của khối u bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật đã được tiệt trùng tiến hành một đường rạch nhỏ để bóc bỏ toàn bộ tổ chức bã đậu ở bên trong và lớp vỏ bọc khối u. Cuối cùng, vết rạch sẽ được khâu lại, người bệnh có thể ra về mà không cần phải lưu lại viện để theo dõi.
- Phẫu thuật laser: so với phương pháp rạch thông thường thì phương pháp này hiện đại hơn, thực hiện bằng cách dùng tia laser có nhiệt độ phù hợp để làm bay hơi khối u, ít khi để lại sẹo nên tính thẩm mỹ rất cao.
Sau phẫu thuật u bã đậu người bệnh có thể sẽ bị đau nhức tại vị trí tổn thương trong vài ngày nhưng tình trạng này sẽ dần dần chấm dứt. Việc kiêng khem cũng không quá cần thiết nên người bệnh có thể ăn uống như bình thường.
Những ngày đầu sau phẫu thuật u bã đậu người bệnh nên nghỉ ngơi, không vận động mạnh để tránh làm chấn thương vết mổ và thực hiện các biện pháp chăm sóc da như bác sĩ đã hướng dẫn. Nếu bị sốt, mệt mỏi, đau, đỏ, sưng, nóng ở vết mổ,... thì cần tái khám ngay để được xử lý các biến chứng viêm nhiễm.
4. Phòng ngừa tái phát u bã đậu
Để tránh tình trạng u bã đậu có cơ hội xuất hiện hoặc tái phát, tốt nhất nên:
- Duy trì chăm sóc da sạch sẽ và luôn để da được khô thoáng. Người có làn da dầu cần vệ sinh da thường xuyên.
- Chọn các loại sản phẩm làm sạch da có khả năng giúp da được khô thoáng.
- Tắm rửa đều đặn hàng ngày để không bị tích tụ bã nhờn.
Không phải mọi trường hợp u bã đậu đều cần phẫu thuật, nếu u bã đậu kích thước nhỏ có thể sẽ được điều trị bằng thuốc để kiểm soát sự phát triển của khối u.
Để biết chính xác tình trạng u bã đậu mà mình mắc phải điều trị như thế nào hiệu quả, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ da liễu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Sau khi thăm khám, thực hiện kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ giúp quý khách biết hướng điều trị u bã đậu phù hợp.