Trẻ sơ sinh hay bị trớ là do đâu khắc phục cách nào

1. Trẻ sơ sinh hay bị trớ là do đâu?

1.1. Phân biệt nôn và trớ ở trẻ sơ sinh

Những tuần đầu sau khi chào đời, trớ là hiện tượng dễ gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là khi trẻ mới bú xong và vặn người. Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh nhầm lẫn giữa nôn với trớ.

Nôn là hiện tượng cơ thể phải cố gắng tống một phần hoặc toàn bộ chất có trong dạ dày ra bên ngoài. Khi thực hiện hành động này, dạ dày cần co bóp và phối hợp với sự co thắt của cơ bụng. Nôn chính là phản xạ tự bảo vệ của cơ thể.

Những tuần đầu sau sinh trẻ sơ sinh dễ bị trớ sau khi bú sữa

Những tuần đầu sau sinh trẻ sơ sinh dễ bị trớ sau khi bú sữa

Trớ là sự di chuyển của chất trào từ dạ dày đến hầu họng và lên trên miệng sau đó có thể ra ngoài đường miệng với một số lượng. Trớ chỉ diễn ra với sự co bóp của dạ dày chứ không cần kết hợp với cơ bụng, thường kèm theo ợ hơi. Trẻ sơ sinh dễ bị trớ, nhất là sau khi bú sữa.

1.2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay bị trớ là gì?

Trẻ sơ sinh hay bị trớ nhiều lần trong ngày có thể xuất phát từ các nguyên nhân như:

- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện

Trong tháng đầu dạ dày của trẻ còn nằm ngang và có thể tích nhỏ, điều này khiến cho lượng sữa bị ứ lại lâu hơn. Mặt khác, giữa thực quản với dạ dày có một cơ vòng để ngăn không cho thức ăn trào ngược lên. Tâm vị của trẻ sơ sinh còn chưa chắc chắn nên sau khi ăn no, nằm sai tư thế, vặn người rất dễ bị ọc sữa.

- Bú quá no

Thể tích dạ dày của trẻ sơ sinh chỉ có thể chứa được khoảng 7 - 13ml/ lần ăn vào thời điểm chào đời sau đó tăng lên khoảng 30 ml/lần ăn từ tháng thứ 3 rồi tăng lên được khoảng 200 ml/lần ăn vào tháng thứ 6. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoặc ti sữa bình quá no so với thể tích của dạ dày thì trẻ dễ bị trớ sữa.

- Do sai lầm về chăm sóc và bú sữa

Nếu trẻ ti chưa đúng khớp ngậm, bú sai tư thế,... rất dễ nuốt phải nhiều khí vào trong dạ dày. Đây là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh hay bị trớ.

Nằm úp ngay sau bú là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị trớ

Nằm úp ngay sau bú là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị trớ

- Bệnh đường ruột

Khi trẻ mắc các bệnh lý đường ruột như viêm ruột, rối loạn nhu động ruột, lồng ruột,… cũng dễ bị trớ, quấy khóc, sốt, đau bụng,...

- Bị đầy hơi

Khi dạ dày của trẻ sơ sinh có quá nhiều khí thì trẻ sẽ bị đầy hơi, tiêu hóa chậm nên dễ bị trớ. Đầy hơi sẽ khiến cho trẻ có các biểu hiện: quấy khóc, khó chịu, bú kém, bụng hơi cứng, táo bón,...

- Nhiễm virus, vi khuẩn

Khi bị nhiễm virus, vi khuẩn, dạ dày của trẻ sẽ bị kích thích và sinh ra hiện tượng trẻ sơ sinh hay bị trớ. Biểu hiện này thường gặp ở bệnh viêm màng não, bệnh đường hô hấp trên.

- Tắc nghẽn dạ dày hoặc đường ruột

Dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh hoặc mắc bệnh lý xoắn ruột, tắc ruột thì có thể gây nhiễm trùng toàn thân sinh ra các biểu hiện đại tiện có máu, chướng bụng, bí trung đại tiện,...

- Nguyên nhân khác: không dung nạp sữa, sốt mọc răng, tiêm phòng,...

2. Xử trí khi trẻ sơ sinh bị trớ

Khi trẻ bị trớ cha mẹ hãy nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh tình trạng trẻ bị sặc chất nôn rồi quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn có trong miệng của trẻ. Tiếp sau đó, cha mẹ hãy khum tay lại rồi vỗ nhẹ vào hai bên lưng vừa trấn an trẻ vừa tác động để trẻ ho cho chất nôn còn sót trong họng bị đẩy bật ra ngoài.

Hướng dẫn thao tác xử trí khi trẻ sơ sinh bị trớ

Hướng dẫn thao tác xử trí khi trẻ sơ sinh bị trớ

Nếu trẻ bị nôn do sặc sữa nên thở nấc, tím tái, ho sặc sụa thì cha mẹ cần thực hiện ngay động tác sơ cứu sau:

- Vỗ lưng: đặt trẻ nằm sấp trong tư thế đầu nghiêng mặt rồi vỗ liên tiếp 5 cái thật mạnh vào vùng ở giữa 2 bả vai của trẻ theo chiều xuống dưới và đẩy ra trước. Sau khi vỗ xong thì nhẹ nhàng lật ngược trẻ lại xem trẻ tự thở được hay chưa, quan sát xem da của trẻ có hồng hơn không, nếu những hiện tượng này chưa xảy ra thì tiến thành thao tác ấn ngực.

- Ấn ngực: giữ nguyên trẻ trong tư thế ngửa, lấy ngón tay thứ 2 và thứ 3 của bàn tay trái ấn với góc vuông xuống 1/3 bên dưới xương ức thật nhanh 5 lần liên tiếp. Sau động tác này cha mẹ tiếp tục quan sát dấu hiệu hồi phục, nếu chưa thấy trẻ hồi phục bình thường lại vỗ lưng ấn ngực 6 - 10 lần nữa.

Trong quá trình thực hiện 2 thao tác trên cha mẹ cần kết hợp làm thông thoáng đường thở cho con bằng cách dùng dụng cụ hút, hút miệng trước rồi hút mũi sau. Trường hợp không có dụng cụ hút thì trong tình thế cấp cứu có thể dùng miệng để hút cho trẻ. Đến khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu phục hồi thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá.

3. Trẻ sơ sinh hay bị trớ có sao không?

Trẻ sơ sinh hay bị trớ có nguy hiểm hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Nếu chỉ là trớ đơn thuần do no, sai tư thế bú,... và tần suất trớ ít thì không cần lo lắng quá mà hãy giảm lượng sữa cho con ti, sau khi cho trẻ ăn không được rung lắc và không để trẻ nằm sấp.

Trường hợp trẻ sơ sinh hay bị trớ kèm theo các dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ Nhi khoa để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ:

- Trớ ra máu: có nguy cơ sốt xuất huyết, viêm ruột cấp, tổn thương thực quản, giãn tĩnh mạch cửa gan,...

- Trẻ đi ngoài: phân lỏng nước, nhiều lần, có thể có máu,... có thể là do lồng ruột cấp, viêm ruột, thương hàn, rối loạn điện giải,…

- Co giật và sốt: sốt cao, hay bị trớ và co giật là biểu hiện cảnh báo trẻ bị viêm màng não, nhiễm độc thần kinh,...

- Trớ liên tục trên 24 giờ: nguy cơ mất điện giải, mất nước.

Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể giúp các bậc cha mẹ chủ động xử lý tốt hơn khi trẻ sơ sinh hay bị trớ để yên tâm trong quá trình chăm sóc con và nhận diện đúng tình trạng cần hỗ trợ y tế để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Link nội dung: https://muabaniphone.vn/tr-s-sinh-hay-b-tr-l-do-u-khc-phc-cch-no-medlatec-a31399.html